Tên gọi khác: Đường sâm, Hồng sâm, Bạch sâm, Sâm Cao ly, Sâm Triều tiên, Viên sâm
Tên khoa học: Panax ginseng C.A.Mey
Giới thiệu: Cây nhỏ, cao 30-50cm có thể sống trên 50 năm. Cây mang ở ngọn một vòng 4-5 lá. Cuống lá dài. Lá kép chân vịt. Lá lúc đầu có 3 lá chét về sau có 5 lá chét; hai lá chét ngoài nhỏ hơn các lá chét ở giữa. Mép lá có răng cưa.
Cây trồng thì ra hoa vào năm thứ 3 vào mùa hạ; từ điểm giữa của vòng lá nhô lên một trục cao chừng 10 cm mang hoa màu trắng nhạt nhóm họp thành tán đơn. Hoa đều 5 cánh, lá đài 5 răng, 5 nhị. Bầu dưới, 2 ô. Quả hạch, màu đỏ gần hình cầu. Rễ củ thường to bằng ngón tay phân thành nhiều nhánh nom như hình người nên có tên là nhân sâm. Đôi khi có những củ sâm có kích thước rất lớn nặng đến 300-400g.
Mọc hoang và được trồng ở đông bắc Trung quốc, Triều tiên, Liên xô cũ. Cây ưa bóng râm. Nước ta chưa trồng được cây này. Dược liệu nhập từ các nước khác.
Thu hoạch, sơ chế: Thường thu hoạch Nhân sâm vào mùa thu (tháng 9-10), ở những cây trồng từ 4 năm trở lên, rửa sạch, phơi nắng nhẹ, hoặc sấy nhẹ đến khô.
Thành phần hoá học: Thành phần chính là các saponin triterpenoid tetracyclic nhóm dammaran gọi chung là ginsenosid. Các thành phần khác: tinh dầu 0,05%-0,25%, vit B1, B2, các phytosterol 0,029%, glycan.
Công năng: Đại bổ nguyên khí, phục mạch cố thoát, bổ tỳ ích phế, sinh tân, an thần.
Công dụng: Cơ thể suy nhược, có thoát chứng, chân tay lạnh, mạch vi, tỳ hư, ăn ít, phế hư ho suyễn, tân dịch thương tổn, miệng khát nước, nội nhiệt tiêu khát, đái tháo, bệnh lâu ngày gầy yếu, đánh trống ngực, mất ngủ; liệt dương, tử cung lạnh, suy tim kiệt sức, ngất do bị bệnh tim.
Cách dùng, liều lượng: 2-6g một ngày. Dạng thuốc bột, thuốc sắc, cao lỏng, rượu thuốc.