Tên khoa học: Cistanche deserticola Y. C. Ma – Orobanchaceae
Giới thiệu: Nhục thung dung không phải là một loài thực vật thông thường, mà là loài ký sinh, phải sống nhờ vào cây khác. Mùa xuân đến, mầm cây nhục thung dung đâm thủng mặt đất, mọc nhô lên trên, nhìn giống như một cái chày với đầu hơi nhọn, bên ngoài phủ kín lớp lá vẩy màu vàng, lóng lánh dưới ánh nắng mặt trời. Cây thường cao khoảng từ 15-30cm, có khi tới hàng mét.
Vào các tháng 5, tháng 6 cây ra hoa dày đặc; hoa mọc ra từ chóp (phần ngọn), màu vàng nhạt, hình chuông, xẻ 5 cánh, cánh hoa màu xanh hoặc tím nhạt; tới các tháng 6, tháng 7 kết quả, nhỏ li ti, màu xám. Nhờ có lớp lá vẩy phủ kín toàn bộ bề mặt bên ngoài nên tránh bị mất nước và có thể chịu đựng được điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở vùng hoang mạc.
Thu hoạch, chế biến: Vào hai mùa xuân và thu, phơi khô trong nắng và cắt thành lát mỏng.
Mô tả dược liệu: Hình gần trụ tròn, hơi dẹt, một đầu hơi nhỏ, hơi cong, dài khoảng 10-30cm, đường kính 3-6mm, cây chưa phân nhánh. Bề mặt màu xám hoặc màu nâu, phủ kín lớp lá vẩy dầy đặc, xếp theo hình mái ngói. Chất thuốc chắc, hơi dai, khó bẻ gãy, có chút chất dầu. Mặt cắt màu nâu nhạt, có những đốm trắng hoặc khe nứt, nếm thấy vị hơi ngọt.
Tính vị: Vị ngọt, mặn, tính ôn
Quy kinh: Vào kinh thận, đại trường
Tác dụng: Bổ thận dương, ấm tử cung, nhuận trường
Chủ trị:
– Thận dương suy với các triệu chứng tiểu trong, tiểu không tự chủ, lưng đau, gối mỏi, thiếu máu
– Tử cung lạnh, rong kinh, khó thụ thai
– Đại trường khô táo, hay táo bón
Liều dùng: 8 – 20g
Kiêng kỵ: Người bị tiêu chảy do tỳ vị hư; âm hư hỏa vượng không dùng.